Để có thể làm được những bài tập làm văn biểu cảm, trước hết cần có cách hiểu đúng về khái niệm văn biểu cảm cũng như những nội dung liên quan đến thể loại văn này. Những thông tin chi tiết dưới đây của mình sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về chủ đề văn biểu cảm là gì, từ đó hiểu rõ được các bước làm văn biểu cảm nhé!.
Bước 1: Tìm hiểu đề văn biểu cảm là gì?
Sau khi nắm rõ khái niệm văn biểu cảm là gì, đặc điểm của văn biểu cảm là gì, quan trọng là bạn cần nắm chắc bí kíp về các bước làm văn biểu cảm dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
- Các dạng văn biểu cảm học sinh thường gặp? Cách làm dàn ý
- Đặc điểm của văn biểu cảm trong những bài thơ, bài văn
- Cách viết bài văn biểu cảm chuẩn và những lỗi thường gặp
Thông thường, trong đề văn biểu cảm sẽ xuất hiện yêu cầu biểu cảm và cả đối tượng biểu cảm.
VD: Chẳng hạn trong đề: “Cảm nghĩ về món quà tuổi thơ”.
Đề văn trên đã nêu lên đối tượng biểu cảm là món quà thời tuổi thơ. Yêu cầu của đề là học sinh sẽ thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc của mình về món quà ấy.
VD: Một dạng đề khác: “Loài cây em yêu”.
Đề yêu cầu viết về đối tượng là “loài cây em yêu”. Mặc dù không có các từ khóa thể hiện yêu cầu biểu cảm như “cảm nghĩ”, “cảm xúc” nhưng trong đề trên, ta vẫn có thể xác định nó thuộc dạng đề làm bài văn biểu cảm bởi trong đề có từ “em yêu”.
Kết luận: Vậy để làm tốt một bài văn biểu cảm, điều đầu tiên là ta phải xác định rõ yêu cầu của đề. Nếu đề không có yêu cầu về dạng bài viết cụ thể thì sẽ có những “dấu hiệu” nhận biết để ta xác định được phương thức biểu đạt của bài.
Bước 2: Tìm ý cho bài văn biểu cảm là gì?
Trong các bước làm văn biểu cảm, tìm ý để viết là điều quang trọng. Để tạo lập ý cho bài văn biểu cảm, học sinh có thể dựa trên sự quan sát thường ngày về đối tượng kết hợp với những hồi tưởng về quá khứ hoặc những suy nghĩ về tương lai để xác định những cảm xúc, tình cảm bản thân sẽ bộc lộ về đối tượng ấy.
Chẳng hạn với đề văn dẫn ra ở trên (“Cảm nghĩ về món quà tuổi thơ”), học sinh có thể xác định cảm hứng chủ đạo của mình là tình cảm dành cho món quà vì gợi ra rất nhiều những kỉ niệm của tuổi thơ. Từ cảm hứng đó, học sinh có thể cụ thể hóa thành các ý có thể viết trong bài như:
Món quà đó trông như thế nào? Bản thân có cảm nhận ra sao trước những đặc điểm đó? (Giới thiệu ngắn gọn về đặc điểm của món quà).
Vì sao em có món quà đó? Cảm xúc khi nhận được món quà là gì?.
Tình cảm của em đối với món quà ấy là gì?.
Kỉ niệm nào của tuổi thơ được gợi lên qua món quà ấy?.
Tình trạng hiện giờ của món quà ra sao?….
Lưu ý: Khi tìm ý, học sinh cần đặc biệt quan tâm đến những kỉ niệm, hình ảnh, đặc điểm của đối tượng khiến cho bản thân có cảm xúc nhiều nhất. Tuy nhiên cũng cần chọn những ý tiêu biểu, có tác dụng tạo được ấn tượng cho bài viết, chọn những ý ta có thể có nhiều cơ hội thể hiện thật sâu sắc những cảm xúc của mình. Điều này sẽ có ý nghĩa hơn là việc ta xác định thật nhiều ý để viết nhưng lại viết lan man, không tạo được sự cuốn hút.
Bước 3: Lập dàn ý cho bài văn biểu cảm
Sau khi lựa chọn được ý các bước làm văn biểu cảm tiếp theo sẽ trình bày cho bài viết, dựa theo bố cục của bài văn biểu cảm, học sinh sẽ lập dàn ý cho bài văn. Một bài văn biểu cảm thông thường sẽ có bố cục gồm ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.
Bước 3.1: Mở bài văn biểu cảm
Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần biểu cảm theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Học sinh nên tìm cách gợi cảm hứng cho việc viết bài, có thể giới thiệu hoàn cảnh (thời gian và không gian) khiến cho bản thân có nhu cầu biểu cảm về đối tượng. Khi giới thiệu, học sinh có thể nêu cảm xúc ban đầu của mình.
Chẳng hạn, với đề “Cảm nghĩ về món quà tuổi thơ”, cách mở bài có thể giới thiệu về việc tình cờ thấy lại món quà ấy (trong dịp sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, tình cờ thấy một món giống vậy ở một nơi khác…) nên những kỉ niệm tuổi thơ với món quà ấy lại ùa về.
Bước 3.2: Thân bài văn biểu cảm
Thân bài: Biểu lộ lần lượt các tình cảm, cảm xúc của mình đối với đối tượng.
Cũng trong đề “Cảm nghĩ về món quà tuổi thơ”, có thể lần lượt nêu lên tình cảm, cảm xúc sau đối với món quà, về:
Nguyên nhân có được món quà.
Đặc điểm của món quà (chất liệu, hình dáng, màu sắc, kích thước…).
Vai trò của món quà.
Kỉ niệm tuổi thơ của bản thân đối với món quà.
Đặc điểm bản thân thấy ấn tượng nhất về món quà.
Bước 3.3: Kết bài văn biểu cảm
Kết bài: Khái quát lại tình cảm, cảm xúc với đối tượng biểu cảm.
Phần viết kết bài này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bài văn biểu cả vì nó sẽ có “sứ mệnh” để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người đọc. Nếu như chỉ viết một kết thúc chỉ để đảm bảo có đủ ba phần của bố cục mà không có sự đầu tư thì bài viết rất dễ khiến người khác lãng quên, hụt hẫng.
Bước 4: Cách viết bài văn biểu cảm điểm cao
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Văn học trẻ hiện nay – Văn chương theo kịp thời đại
- Nghị luận xã hội – Kiến thức ngữ văn không thể thiếu
Học sinh bắt đầu viết bài sau khi đã xây dựng bố cục hợp lí cho bài văn. Trong quá trình viết bài, cần phải bám sát đối tượng biểu cảm để thể hiện những cảm xúc, tình cảm đã định hướng trước đó.
Trong khi viết bài văn biểu cảm, học sinh vẫn có thể dùng phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra hình ảnh, kể lại kỉ niệm liên quan đến đối tượng biểu cảm nhằm tạo cảm xúc.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng tự sự và miêu tả lúc này chỉ đóng vai trò là phương tiện, là yếu tố để học sinh gửi gắm cảm xúc của mình, học sinh tránh sa vào kể chuyện hoặc miêu tả đối tượng vì sẽ không hướng đến mục đích chính là biểu lộ cảm xúc.
Bước 5: Sửa bài văn biểu cảm sau khi viết
Sau khi viết xong, học sinh rất cần đọc và sửa chữa lại bài viết để có thể sửa lại những lỗi thường gặp như chính tả, cách diễn đạt hay việc sử dụng từ ngữ, cách đặt câu để giúp cho bài viết của mình chuyển tải được liền mạch cảm xúc, tình cảm.
Để có thể viết được một bài văn biểu cảm hay quả thật không phải là điều dễ dàng. Làm được điều đó đòi hỏi học sinh cần dành thời gian rèn kĩ năng viết, trau dồi thêm vốn từ ngữ để giúp cho việc thể hiện những tình cảm, cảm xúc được hấp dẫn và đạt hiệu quả. Trên đây là các bước làm văn biểu cảm được mình tổng hợp lại, mong rằng những kiến thức trên sẽ hữu ích đối với các bạn.