Riêng với dạng đề biểu cảm về một tác phẩm hay về một đề tài nào đó, học sinh cần phải hiểu và cảm được những ý nghĩa, vẻ đẹp toát lên từ nội dung, nghệ thuật mà tác giả sử dụng để có cách đánh giá và bộc lộ cảm xúc vừa phù hợp, vừa ấn tượng. Trong nội dung này hãy cùng tìm hiểu các dạng văn biểu cảm cùng với cách triển khai bài văn hiệu quả.
Cách làm văn biểu cảm về người
Văn biểu cảm về người chính là dạng biểu cảm bày tỏ tình cảm, cảm xúc của người viết về một người nào đó. Thường là những tình cảm tích cực như yêu thương, sự thương mến hay nỗi nhớ nhung da diết…
Có thể bạn quan tâm:
- Đặc điểm của văn biểu cảm trong những bài thơ, bài văn
- Cách viết bài văn biểu cảm chuẩn và những lỗi thường gặp
- Các bước làm văn biểu cảm chi tiết nhất cho học sinh
Các dạng văn biểu cảm về người điển hình như biểu cảm về người thân như ông, bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè thân thiết…
Cách làm văn biểu cảm về người như sau:
Mở bài
Giới thiệu một cách khái quát về nhân vật cần biểu cảm được nhắc trong bài cùng với tình cảm dành cho nhân vật đó.
Thân bài
+ Miêu tả đôi nét về nhân vật biểu cảm. Từ đó, giúp người đọc hình dung được rõ về đối tượng được giới thiệu trong bài viết.
+Sau đó, bày tỏ tâm tư cùng tình cảm của mình dành cho nhân vật (có thể bày tỏ trực tiếp hay gián tiếp cũng như cả trực tiếp lẫn gián tiếp).
+ Phần biểu cảm, người viết có thể theo trình tự từ miêu tả đến biểu cảm hoặc có thể là qua những câu chuyện, kỉ niệm với nhân vật, từ đó bày tỏ cảm xúc của mình với nhân vật.
Kết bài
+ Khẳng định, nhấn mạnh lại tình cảm của mình đối với người cần biểu cảm.
+ Bày tỏ quan điểm của bản thân, đồng thời đánh giá về nhân vật.
Cách làm văn biểu cảm về sự vật
Từ khái niệm văn biểu cảm là gì, cách làm văn biểu cảm về sự vật, bạn cần nắm được đối tượng của biểu cảm sự vật. Đó có thể là hình ảnh cây cối, một dòng sông, một đồ vật, con vật… Từ đó, bạn bày tỏ tình cảm cũng như sự đánh giá của mình về sự vật được nhắc tới.
Cách làm văn biểu cảm về sự vật như sau:
Mở bài
Giới thiệu khái quát về sự vật được đề cập tới.
Thân bài
+ Miêu tả sơ qua về sự vật được miêu tả.
+ Đối với sự vật thường đi theo trình tự từ kể chuyện, miêu tả để bày tỏ cảm xúc của mình đối với nó.
Kết bài
+ Khẳng định lại tình cảm của mình đối với sự vật được nhắc tới.
+ Mở rộng vấn đề: đánh giá, đưa ra nhận định hoặc kêu gọi sự đồng tình về sự vật.
Cách làm văn biểu cảm về một tác phẩm văn học
Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học là gì? Đây chính là dạng đề yêu cầu người viết trình bày phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm, bài văn, bài thơ. Cụ thể là người viết cần trình bày những cảm xúc tưởng tượng, liên tưởng cũng như suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Văn học trẻ hiện nay – Văn chương theo kịp thời đại
- Nghị luận xã hội – Kiến thức ngữ văn không thể thiếu
Với dạng đề biểu cảm về tác phẩm văn học, dàn ý ba phần có thể triển khai như sau:
Mở bài
Giới thiệu tác phẩm (có thể giới thiệu hoàn cảnh biết đến tác phẩm).
Thân bài
Những cảm nghĩ về tác phẩm:
+ Cảm nghĩ về nội dung: Những nội dung được thể hiện trong tác phẩm là gì? Cảm nhận ra sao về việc nội dung ấy được nêu lên trong tác phẩm?.
+ Cảm nghĩ về nghệ thuật: Những nội dung được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật nào? Đánh giá như thế nào về những phương diện nghệ thuật ấy?.
Kết bài
Ấn tượng, cảm nghĩ chung về tác phẩm.
Tìm hiểu yếu tố tự sự, miêu tả trong văn biểu cảm
Phương thức tự sự và miêu tả được dùng trong văn biểu cảm có tác dụng gợi ra hình ảnh sự vật hay hiện tượng cần biểu cảm. Qua đó sẽ giúp người viết gửi gắm cảm xúc của mình một cách chân thực và biểu đạt hơn.
Phương thức tự sự hay miêu tả cũng chỉ hỗ trợ cho việc biểu cảm, tuy nhiên không nhằm kể chuyện hay miêu tả một cách chi tiết hay cụ thể về đối tượng. Vì thế, bạn cần phân biệt rõ giữa văn biểu cảm với tự sự hay miêu tả.
Như vậy, mình đã hướng dẫn chi tiết về các dạng văn biểu cảm cùng với những thông tin liên quan. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn thành công khi viết bài văn biểu cảm!