Sự kiện do Văn+ (nhóm sinh hoạt chuyên đề do nhà văn Vinh Huỳnh – Chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội (Hội Nhà văn Hà Nội) và nhà thơ Đặng Thiên Sơn chủ trì) tổ chức ngay trong mùa giãn cách. Theo nhà thơ Đặng Thiên Sơn, đây là hoạt động định kỳ, dự kiến một tháng/lần, nhằm trao đổi các vấn đề sáng tác và tiếp nhận văn chương. Hãy cùng tìm hiểu về xu hướng văn học trẻ ở thời điểm hiện tại đang xoay quanh vấn đề gì nhé.
Có phải nhất thiết viết về cái ác?
Trả lời câu hỏi “Có phải văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn vì không viết về cái ác?”, nhà văn Đức Anh nhìn nhận, đang có một sự “nhầm lẫn không hề nhẹ”. Có những tác phẩm, người ta đọc xong và cảm thấy muốn đứng về phía nhân vật ác đó. Có những tác phẩm khi đọc thì thấy tởm lợm nhưng chợt nhận ra, bản thân mình cũng có những phần ác đó trong mình. “Khi nói văn học và cái ác, người ta hay nghĩ đến việc tố cáo cái ác đơn thuần; nhưng có nhiều khi, chính việc mô tả, mổ xẻ và thách thức đạo đức của người đọc, ở giữa lằn ranh cái thiện và cái ác, mới làm nên giá trị của tác phẩm đó”, tác giả của Đảo bạo bệnh, Thiên thần mù sương đặt vấn đề.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Cơ hội cho văn học trẻ trong thời đại công nghệ hiện nay
- Định kiến về văn học trẻ từ những giai đoạn được hình thành
- Sự đa dạng trong văn học trẻ là điểm mạnh đáng ghi nhận
Hiền Trang nói, nhiều tác phẩm lớn ngày nay là những tác phẩm đề cao cái thiện. Có những tác phẩm khi đọc cảm giác không ai ác cả. Chẳng hạn, các tác phẩm của Murakami, Banana Yoshimoto… Tác phẩm của họ gần như không có cái ác. Nếu có, nhân vật phản diện gần như ở dạng siêu hình.
Tại sao nhiều người thích đọc Murakami? Gần đây đọc lại tác phẩm của ông ấy, Hiền Trang mới chợt nhận ra, chính bởi ở đó không có cái ác. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta nhìn ra bên ngoài quá nhiều, rồi bị xoáy vào những giá trị ngoại thân. Văn Murakami mang tính thiền rất cao, nó đi vào bản chất của mình, thay vì nhìn ra bên ngoài. Hiền Trang dự đoán, viết những tác phẩm không có cái ác sẽ trở thành một trong những xu hướng văn học trẻ của tương lai, khi chúng ta có nhu cầu lắng nghe chính mình nhiều hơn.
“Mỗi người tìm đến văn chương với một mục đích khác nhau: có người vì văn chương có khả năng lộ diện cái ác; nhưng cũng có những người tin vào khả năng hiện hữu của cái đẹp. Cái ác và cái đẹp quấn vào nhau trong văn chương nghệ thuật. Mỗi nhà văn, với mỗi hoàn cảnh sáng tác khác nhau, sẽ tạo ra những kiểu văn chương khác nhau. Hơn nữa, những người đô thị ngày nay không quan tâm nhiều tới cái ác nữa; vì cái ác đã tồn tại xung quanh họ rồi: trong công sở, trong cuộc sống hằng ngày… Có lẽ họ tìm đến văn chương vì cái thiện”, Hiền Trang nói thêm.
Xu hướng văn học trẻ tương lai
Khi bàn về văn học tương lai, theo quan sát của Nhật Phi, các mảng miếng, các đề tài, các dòng tư tưởng dường như đã có hết rồi. Nhật Phi cho rằng, có lẽ, câu chuyện tương lai của văn học, không chỉ các nền văn học lớn mà kể cả văn học như Việt Nam, là có thể mở rộng ra để khai thác những cách kể chuyện mới.
Đức Anh dự đoán, văn học của tương lai sẽ đi theo hai hướng. Một là, nói những điều muôn thuở của con người, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác. Hai là, viết về những vấn đề thuộc thời đại họ đang sống, hoặc một tương lai gần của những người cùng thế hệ (hoặc khác thế hệ). Hiện, ta đang thiếu những tác phẩm đi vào vấn đề của xã hội đương đại và xã hội Việt Nam trong tương lai gần.
Hiện nay, trong ảnh hưởng của toàn cầu hóa, tương lai, nền văn học chúng ta có thể sẽ xuất hiện hai dạng nhà văn. Một là, tiếp tục đi đến đỉnh cao của ngôn ngữ mẹ đẻ. Hai là, chuyển sang viết tiếng Anh để tiếp cận công chúng quốc tế, và viết một thứ văn chương toàn cầu, ai đọc cũng có thể hiểu được. Hiền Trang nhận định: “Không chỉ Việt Nam mà ở nền văn học phát triển nào, cũng sẽ xuất hiện những trạng thái có vẻ mâu thuẫn: có những nhà văn rất nổi tiếng trong nước, nhưng không được thế giới biết đến, và ngược lại”.
Có thể bạn quan tâm:
- Nghị luận xã hội – Kiến thức ngữ văn không thể thiếu
- Văn học dân gian và những thông tin cơ bản cần biết
Đức Anh cho rằng: “Đâu đó, sẽ không chỉ có người Việt ở hải ngoại viết văn học di dân bằng tiếng Anh, mà những nhà văn trong nước cũng sẽ bắt đầu viết văn bằng tiếng Anh. Một thứ tiếng Anh đơn giản, dễ hiểu, nhưng chủ đề hay, câu chuyện hay, cũng sẽ có chỗ đứng và có bạn đọc quốc tế. Điều này làm cho văn học Việt Nam đa dạng hơn. Một nền văn chương được xem là lành mạnh khi nó có nhiều khác biệt cùng tồn tại trong đó”.
Song Nhật Phi cũng lưu ý, theo quá trình đó, có khả năng sẽ nảy sinh thêm một xu hướng văn học trẻ khác: bán bản địa hóa nửa vời (nửa Anh nửa Việt, hoặc một thứ tiếng Việt cực kỳ lạ lùng…), dẫn đến tình trạng ngôn ngữ mẹ đẻ bị bào mòn hoặc chuyển sang một cách tiếp nhận khác. Đây là những vấn đề chỉ có thời đại internet mới có thể tạo ra được.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, quay lại vấn đề muôn thuở của văn học, vẫn là ngôn ngữ. Nhà văn nào tiến được sâu vào trong ngôn ngữ sẽ thành công.
“Trong nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam thời gian qua, đằng sau những khuyến khích cho văn học trẻ, là những khuyến khích đa dạng, đổi mới. Văn chương đang ngày càng là chuyện của trái tim nóng và cái đầu lạnh. Chính điều đó sẽ mang lại màu sắc tươi mới cho văn học Việt Nam, hơn là những cái từng thấy”, Đức Anh nói.
Xu hướng văn học trẻ hiện nay có nhiều nét biến hóa và mới lạ phù hợp với tinh thần và con người thời hiện đại. Mong rằng qua những nội dung trên, bạn đã biết thêm những thông tin bổ ích.