Những người yêu văn học nói chung và văn học Việt Nam nói riêng đều đồng tình rằng, văn học trẻ là cách tiếp nối truyền thống để văn chương có thể đi đường xa và đường dài. Văn học của những người trẻ thể hiện được sự đổi mới của thời đại, thể hiện những tác phẩm có giá trị. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về thế hệ văn học trẻ ở nước ta.
Tiềm năng mạnh mẽ của văn học trẻ thời đại ngày nay
Những tác phẩm bất hủ của thế hệ trước vẫn còn để lại giá trị văn hóa, lịch sử to lớn cho đến ngày nay. Lứa nhà văn trẻ cũng đã thể hiện tư duy thời đại của mình thông qua nhiều tác phẩm với mạch văn dồi dào cảm xúc. Họ đã không ngừng cập nhật kiến thức, tinh hoa tri thức và tinh túy văn học để sáng tạo ra văn chương của riêng mình.
Văn học giàu tiềm năng hội nhập và có màu sắc riêng
Hội Nhà văn Việt Nam quy ước lực lượng viết văn trẻ là những tác giả dưới 35 tuổi. Trong thập niên này, họ xuất hiện khá dày, mỗi người có một sở trường riêng nhưng điểm chung là bút lực dồi dào. Sự đóng góp của thế hệ này tạo nên nền văn học phong phú hơn có dấu ấn trên tất cả các thể loại.
Trong vô vàn những tác phẩm văn học trẻ trong nước và quốc tế, công chúng có xu hướng đón nhận những tác phẩm thể hiện được sự cá nhân hóa. Nhiệm vụ của nhà văn là phải cân bằng giữa tính cá nhân, thị hiếu lành mạnh, tiến bộ khi sáng tác văn học.
Điểm chung của họ là viết về những chủ đề quen thuộc nhưng khắc họa bằng tư duy thời đại, tư duy hội nhập quốc tế cho thấy một công dân toàn cầu phản ứng như thế nào trước những vấn đề đó. Trong khi thế hệ 8X vẫn đang thể hiện tốt thì thế hệ 9X cũng tham gia văn đàn với tinh thần nhiệt huyết, giàu tiềm năng.
Đội ngũ viết văn trẻ luôn kết nối với nhau
Điểm đặc biệt ở thế hệ nhà văn trẻ là họ nhận được nhiều sự quan tâm, tiếp sức của các hội nhà văn uy tín. Bên cạnh đó nhờ có sự phát triển của xã hội mà những cây bút trẻ này được kết nối dễ dàng với nhau.
Bởi bản thân văn chương sẽ tạo ra nhu cầu kết nối, trong đó các hội, nhóm đã được phát triển và duy trì để những người đam mê văn học tìm đến nhau. Để kiến tạo đội ngũ viết trẻ thù các tổ chức này phải có kế hoạch thực hiện nhiều hội thảo, tọa đàm và trao đổi về tác phẩm văn học trẻ.
Không dừng lại ở địa lý Việt Nam mà còn có thể mời nhà văn nổi tiếng nước ngoài cùng tham gia chia sẻ. Bên cạnh đó, các hội, nhóm nghề nghiệp đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc cho cuộc thi tạo cơ hội để các cây bút trẻ thể hiện tài năng. Để biến văn học trẻ Việt Nam trở thành trào lưu mạnh mẽ và bền vững thì không hề dễ dàng. Cần có sự đồng lòng của nhiều người, nhiều tổ chức thì văn học của thời đại mới sẽ được chú ý hơn.
Thực trạng phát triển của văn học Việt Nam hiện nay
Tuy đã có nhiều thành công, được công nhận là có tiềm năng lớn nhưng những cây bút cũ vẫn chưa yên tâm giao lại văn đàn cho lứa nhà văn trẻ. Cùng theo dõi thực trạng phát triển của văn học trẻ trong thời đại ngày nay để biết văn học nước nhà đang diễn ra như thế nào nhé!
Những nhà thơ trẻ lảng tránh việc chia sẻ “thật”
Trong buổi tọa đàm “Thơ trẻ – truyền thống và cách tân” diễn ra hơn hai giờ, nhiều nhà thơ trẻ vẫn chưa thực sự mở lòng. Phần lớn các ý kiến phát biểu trực tiếp đều thiên về “kêu ca” về những nỗi khổ, sự khó khăn vất vả từ lúc viết đến khi xuất bản hay đưa ra đại chúng,…
Các nhà thơ thế hệ trước luôn nỗ lực để định hướng cho tác giả trẻ bằng những kinh nghiệm của mình. Nhà thơ trẻ cần chủ động hơn trong việc nói về hành trình sáng tác của mình để những người đi trước có thể góp ý và thấu hiểu mình.
Văn chương giải trí chưa có ưu thế trước văn học nước ngoài
Sự nhập cuộc của người viết văn vào nền văn học trẻ Việt Nam không có khuôn mẫu nào. Mỗi người có một cách nhập cuộc của riêng mình, không phải ai cũng xông xáo liên tục cho ra các tác phẩm.
Chức năng giải trí của văn học vẫn luôn được đề cao, vì văn chương không thể chỉ khô cứng phản ánh xã hội thực. Tính giải trí trong văn học Việt Nam thật khó để cạnh tranh với truyện giả tưởng Mỹ, manga Nhật Bản hay những tác phẩm ngôn tình Trung Quốc nổi đình đám trong giới trẻ. Dễ dàng nhận thấy khoản thu từ thị trường văn học giải trí phần lớn thuộc về các tác giả nước ngoài.
Xu hướng và giải pháp phát triển văn học trẻ
Những nhà văn trẻ cho thấy nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn nhiều điều cản trở. Sau đây là xu hướng hiện tại của văn học Việt Nam và một số giải pháp phát triển văn học trẻ.
Xu hướng phát triển
Xu hướng đóng vai trò chủ đạo dẫn bước ngòi bút của văn học trẻ là việc tiếp nối, đổi mới, cách tân văn chương trên nền tảng truyền thống. Trong số đó, nổi bật nhất là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với lòng tự hào dân tộc. Dù viết về đề tài cuộc sống đương đại thì nền tảng cơ bản nhất vẫn là truyền thống dân tộc thể hiện qua tư duy đẩy lùi cái xấu, phát triển sự tốt đẹp của xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đã kể trên không tránh khỏi những tác phẩm thiếu nghiêm túc, có thái độ dễ dãi, lệch lạc, xuyên tạc lịch sử hay được sáng tác vì mục đích phi nghệ thuật. Hơn nữa điều kiện tiếp xúc với kho tàng văn học khổng lồ của thế giới cũng khiến một bộ phận văn học trẻ phát triển lệch lạc theo cách sao chép, cắt ghép hời hợt văn chương của người rồi xuất bản dưới tên mình.
Giải pháp thúc đẩy văn học trẻ Việt Nam phát triển
- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tư duy của những nhà lãnh đạo về tầm quan trọng của văn học trẻ
- Đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thông quan văn học.
- Chú trọng các quy định, luật lệ liên quan đến phát triển, tôn vinh văn học và đặc biệt là bảo vệ tài sản trí tuệ
- Thúc đẩy sự phát triển của những hình thức lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
- Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những tài năng trẻ.
- Cần có sự hỗ trợ về mọi mặt để tài năng văn học trẻ được phát huy thế mạnh của mình.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên hoạt động trong các trường văn hóa, nghệ thuật để có những thế hệ sinh viên ưu tú
- Bồi dưỡng, định hướng và nâng cao thị hiếu thưởng thức văn học của công chúng, đặc biệt là những người trẻ.
Một số giải văn học trẻ hiện nay
Những cuộc thi, giải thưởng văn học vừa là sân chơi sáng tạo vừa là diễn đàn để nhà văn trẻ lan tỏa tinh thần văn chương. Sau đây là một số giải văn học trẻ do các tổ chức uy tín phát động:
Giải thưởng “Văn học trẻ” của Đại học Quốc gia TP.HCM
Yêu cầu của giải thưởng này cho thấy tác phẩm dự thi cần phản ánh tư tưởng, tình cảm, trải nghiệm của cá nhân tác giả. Văn chương cần phản ánh cuộc sống xã hội, tình hình đất nước bằng sự sáng tạo thông qua các thể loại: truyện ngắn, tản văn và thơ.
Giải thưởng “Văn học tuổi 20” do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức
Nhà xuất bản Trẻ định hướng cho những cây bút trẻ phải đào sâu tri thức, mở rộng không gian nghệ thuật và đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo. Những thông điệp cốt lõi của Văn học tuổi 20 đã được duy trì qua nhiều năm tổ chức. Bởi vì tác phẩm hay, tác phẩm tốt là động lực của tất cả thành công trong văn chương.
Giải thưởng “Tác giả Trẻ” do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng
Giải thưởng Tác giả Trẻ là một trong những giải thưởng uy tín bậc nhất để phát hiện những tài năng văn học trẻ. Nhiều người chọn phát triển trong đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng để thể hiện tinh thần dân tộc. Một số người có sở trường viết về ca ngợi những cái đẹp hay tấm gương trong cuộc sống. Một số người khác tiếp cận văn chương thông qua việc phơi bày các thói hư, tật xấu trong xã hội. Dù là thơ, văn xuôi, bút ký, tiểu thuyết hay bất cứ thể loại nào cũng có những tác phẩm vượt trội.
Điểm tên nhà văn trẻ Việt Nam đang được yêu thích
Thực tế, mỗi thời đại đều có sự riêng biệt thể hiện trong cách nhìn nhận của mỗi tác giả cho đến câu từ dưới ngòi bút của họ. Điểm danh 3 tác giả trẻ đã có nhiều tác phẩm xuất bản và được công chúng đón nhận:
Tuệ Nghi
Tác giả năng đến với văn chương một cách tự nhiên, những tác phẩm của cô là lời tự sự, thông qua nhân vật nữ chính. Đọc tác phẩm của Tuệ Nghi bạn sẽ thấy thế giới đầy biến động, có nước mắt đắng cay cũng có hy vọng và khát khao. Một số tác phẩm nên tìm đọc: Luật ngầm, Sẽ có cách, đừng lo!, Cứ bình tĩnh,…
Tác giả văn học trẻ Hamlet Trương
Hamlet Trương tên thật là Lê Văn Trương, anh không chỉ nổi tiếng là nhà văn mà còn làm ca sĩ, nhạc sĩ, MC,.. Những tác phẩm hay đã được xuất bản của Hamlet Trương: Yêu đi rồi khóc, Thương nhau để đó, Thời gian để yêu, Thấu hiểu,… Số lượng tác phẩm dồi dào, thấu hiểu thị hiếu người đọc là bí quyết làm nên thành công của tác giả này.
Nguyễn Ngọc Thạch
Nguyễn Ngọc Thạch ghi dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng văn học mạng, tuy đề tài khai thác khá nhạy cảm nhưng rất được yêu thích. Anh chọn viết về thế giới thứ ba, mại dâm, chuyển giới với những câu từ vừa gai góc vừa đau đớn chạm đến nhiều trái tim. Nguyễn Ngọc Thạch nổi tiếng với những câu chuyện như: Đời callboy, Lòng dạ đàn bà, Chênh vênh hai lăm, Một giọt đàn bà,…
Lời kết
Trên đây là những thông tin tổng quan nhất về văn học trẻ để mọi người nhìn nhận tổng quan về thế hệ văn chương mới này. Những tác giả trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết và có nhiều ý tưởng cần được khai phá. Mong rằng trong tương lai việc đào tạo và phát triển nhà văn trẻ sẽ được chú trọng hơn để văn học nước nhà tỏa sáng rực rỡ.