Hiện nay có nhiều thể loại văn học được tổ chức giảng dạy tại trường học như văn tự sự, nghị luận, miêu tả, thuyết minh, và chắc chắn không thể không nhắc đến văn biểu cảm. Vậy biểu cảm là dạng bài văn như thế nào, đặc điểm và cách làm… tất cả sẽ được thể hiện đầy đủ qua bài viết ngay sau đây!
Văn biểu cảm là gì?
Văn biểu cảm là một thể loại văn học trong đó người viết sẽ bày tỏ tâm tư, tình cảm, cách đánh giá, nhìn nhận về một sự vật, hiện tượng hay con người. Đây là một hình thức mà nhà văn có thể thể hiện cảm xúc của mình thông qua văn chương. Thông qua đó, người viết còn có thể khơi gợi sự đồng cảm từ người đọc.
Người viết cũng có thể lồng vào bài văn biểu cảm các yếu tố như miêu tả, tự sự… để khắc họa rõ nét lên sự vật, sự việc con người. Từ đó bộc lộ cảm xúc chân thật và sâu sắc hơn.
Ngoài ra, khi viết các thể loại văn chương khác, người ta cũng thường lồng ghép các yếu tố biểu cảm vào để có thể bày tỏ cảm xúc, tình cảm đối với sự vật sự việc được nhắc đến, đạt được hiệu quả nghệ thuật tốt nhất.
Ví dụ về văn thể loại biểu cảm
Một số ví dụ cụ thể về thể loại văn biểu cảm để bạn hiểu rõ hơn về bản chất cũng như các phân tích như sau:
Đoạn văn của học sinh
“Cây xoài đã gắn bó với gia đình em từ rất lâu rồi. Mỗi năm, cây xoài đều mang cho nhà em rất nhiều quả ngon. Không biết cây được trồng từ bao giờ nhưng mỗi ngày em đều cùng ông tưới nước và chăm sóc cho cây. Giữa trưa hè ngồi dưới hiên nhà, ăn quả xoài ngọt ngào, nghe ông kể chuyện ngày xưa thời còn chinh chiến gian khổ. Cây xoài không chỉ là một loại cây trong vườn nhà, mà còn là hiện thân cho tuổi thơ cùng với những câu chuyện ông vẫn hay kể. Đây là những kỉ niệm mà mỗi khi nhắc đến em lại cảm thấy bồi hồi xao xuyến.”
Đoạn văn trên thể hiện tình cảm của một bạn học sinh với cây xoài nhà mình – vật kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ của bạn và ông. Thông qua đó thể hiện được tình cảm của học sinh với người ông của mình. Đoạn văn có kết hợp với yếu tố tự sự và miêu tả để khắc họa được hình ảnh cây xoài tuổi thơ.
Biểu cảm trong thơ ca:
Việc sử dụng/ lồng ghép các câu văn biểu cảm vào trong văn thơ là điều rất quen thuộc với văn học nước ta. Ví dụ như một đoạn thơ trích trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh có viết:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.”
Qua 4 câu thơ ngắn ngủi nhưng đã thể hiện được tiếng lòng của tác giả. Hình ảnh con sóng thể hiện cho khát vọng tình yêu mãnh liệt. Các cảm xúc bồi hồi và rạo rực được tác giả thể hiện rất cụ thể và rõ ràng khiến người đọc có thể hình dung và cảm nhận sâu sắc cảm giác ấy.
Các đặc điểm đặc trưng của văn thể loại biểu cảm là gì?
Văn biểu cảm có một số những đặc điểm đặc trưng bạn cần biết gồm có:
Nhất quán cảm xúc đối với nguồn gốc dẫn đến cảm xúc đó
Văn biểu cảm là để thể hiện được tình cảm và cảm xúc của người viết. Trong một bài văn hoặc đoạn văn đều phải thể hiện nhất quán một suy nghĩ và cảm xúc đối với sự việc, sự vật hoặc con người nào đó. Đó có thể là cảm giác yêu thương, chán ghét, nhớ ơn, thương cảm… và các cảm xúc đó sẽ thể hiện ra ngoài bằng các biểu cảm tương ứng. Do đó, với mỗi đối tượng khác nhau thì ta sẽ có các cảm xúc tương ứng và nhất quán.
Cách bộc lộ cảm xúc trực tiếp hoặc gián tiếp
Thông thường, văn biểu cảm sẽ biểu lộ cảm xúc bằng cách thể hiện trực tiếp thông qua lời nói, từ ngữ chỉ sắc thái tình cảm như lời cảm thán, từ láy… Với hình thức này người đọc sẽ dễ dàng xác định được tình cảm mà tác giả mong muốn gửi gắm qua bài viết.
Ngoài ra, các tác giả cũng có thể sử dụng phương pháp bộc lộ cảm xúc gián tiếp thông qua ẩn dụ vào câu chuyện, hành động, sự vật, sự việc… Lúc này người viết thường kết hợp biểu cảm với các yếu tố khác như miêu tả, tự sự… để thể hiện rõ hơn tình cảm của mình, để người đọc người nghe có thể tự cảm nhận.
Bố cục đặc trưng của một bài văn biểu cảm
Bố cục của một bài văn thông thường đều gồm có 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
Đối với văn học biểu cảm, tình cảm và cảm xúc mà tác giả muốn gửi gắm xuyên suốt bài viết sẽ được giới thiệu ở ngay phần đầu vào của bài viết. Sau đó cảm xúc sẽ được tiếp tục triển khai và mở rộng ở phần thân bài. Tại thân bài, người viết có thể kết hợp biểu cảm với các phương thức khác như tự sự, nghị luận… để làm nổi bật tình cảm của mình. Sau cùng, tại phần kết bài người viết cũng cần phải nhắc lại tình cảm mà mình muốn thể hiện thông qua bài viết đó.
Hướng dẫn cách viết văn biểu cảm
Việc viết một bài văn thường là đến từ cảm xúc được nuôi dưỡng qua một thời gian lâu dài đối với một đối tượng nhất định, tuy nhiên cảm hứng viết lại đến một cách ngẫu nhiên. Không có một khuôn mẫu cố định nào cho các tác giả văn chương. Tuy nhiên để viết một bài văn nói chung, và một bài văn biểu cảm nói riêng, thì có cách đơn giản và hiệu quả mà ai cũng có thể áp dụng chính là viết văn theo dàn ý.
Mọi người có thể sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai ý vì từ ngữ và cảm hứng đến bất chợt không cố định. Khi đang triển khai một ý thì xuất hiện cảm hứng cho ý tiếp theo. Tuy nhiên khi hoàn thành xong phần đầu tiên của ý đầu tiên thì người viết lại quên mất nguồn cảm hứng để triển khai ý tiếp theo. Do đó, điểm mấu chốt là cần liệt kê các ý chính và thiết lập một dàn bài chi tiết để không bị bỏ lỡ bất kỳ ý tưởng nào, đồng thời bài viết cũng liền mạch và logic hơn.
Cách làm bài văn biểu cảm
Cụ thể cách làm bài văn biểu cảm có những bước chính xác như sau:
Phân tích, xác định yêu cầu đề bài và tìm ý chính
Hãy đọc kỹ đề bài và xác định các từ ngữ mấu chốt về yêu cầu của đề như đối tượng cần nói đến (sự vật, sự việc, con người…), bối cảnh/ tình huống, không gian thời gian…
Sau khi xác định được yêu cầu của đề bài thì chúng ta tiến hành vạch ra các ý chính cần có trong bài và lập dàn ý. Các ý chính phải đảm bảo các yêu cầu của đề, và từ đó triển khai ra các ý phụ làm rõ hơn cho mục đích của bài.
Xây dựng bố cục hợp lý
Dàn ý của bất kỳ bài viết nào (kể cả văn biểu cảm) đều phải đảm bảo 3 phần: mở bài, kết bài và thân bài. Chúng ta có thể linh hoạt ở bố cục của từng phần, cách triển khai các ý nhưng vẫn phải đảm bảo bố cục 3 phần. Trình bày rõ ràng và chi tiết vào dàn bài các ý chính, ý phụ, dẫn chứng và luận cứ cần có trong bài làm. Đồng thời cần chỉ rõ các yếu tố được lồng ghép vào để bổ trợ cho biểu cảm như tự sự, miêu tả…
Hoàn thành bài văn
Căn cứ theo dàn bài trên và chúng ta tiến hành viết hoàn chỉnh bài văn biểu cảm. Đảm bảo thống nhất cảm xúc và đối tượng được nhắc đến trong bài. Sau cùng là người viết cần đọc lại bài viết, kiểm tra chính tả/ từ ngữ và chỉnh sửa lỗi sai (nếu có).
Các dạng văn biểu cảm và cách viết
Có một số dạng văn biểu cảm khác nhau mà anh em cần đặc biệt chú ý, cụ thể gồm :
Biểu cảm về sự vật
Đối tượng trong văn biểu cảm về sự vật là rất đa dạng. Đó có thể là một vật cực kỳ quen thuộc, cũng có thể là một kỳ quan chỉ được nhìn thấy vài lần. Thông thường, biểu cảm về sự vật đều phải kết hợp với miêu tả để có thể khắc họa được sự vật mà tác giả muốn nói đến.
- Mở bài: Giới thiệu khái quát về sự vật muốn nói đến và câu chuyện gắn liền giữa bản thân với sự vật đó.
- Thân bài: Miêu tả về sự vật đó. Tường thuật lại câu chuyện kết nối giữa người viết và sự vật. Từ đó thể hiện ra tình cảm và suy nghĩ sâu sắc của bản thân đối với sự vật.
- Kết bài: Khẳng định lại tình cảm, cảm xúc của bản thân. Đưa ra đánh giá và quan điểm của bản thân với sự vật.
Biểu cảm về con người
Đó có thể là người thân hoặc người nổi tiếng, danh nhân… Các cảm xúc có thể là ngưỡng mộ, biết ơn, yêu thương…
- Mở bài: Giới thiệu khái quát về đối tượng (con người) cần thể hiện cảm nghĩ.
- Thân bài: Miêu tả về đối tượng đó. Thể hiện cảm xúc và tình cảm của bản thân đối người đó. Có thể lồng ghép giữa câu chuyện và tình cảm thông qua các tình huống đó, hoặc có thể lần lượt theo trình tự từ câu chuyện rồi đến tình cảm muốn thể hiện thông qua đó.
- Kết bài: Khẳng định lại tình cảm và cảm xúc của bản thân.
Biểu cảm về một tác phẩm văn chương
Đối với thể loại này thì có nhiều điểm khác biệt hơn so với 2 loại còn lại. Vì đối tượng là một tác phẩm có chủ quyền nên cần sự chính xác tuyệt đối về câu từ. Đồng thời cảm xúc của người viết muốn thể hiện cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc của tác giả của tác phẩm văn học đó.
- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm văn chương và tác giả.
- Thân bài: Phân tích tác phẩm về nội dung, nghệ thuật và nêu ra cảm nghĩ của bản thân đối với tác phẩm. Có thể nêu thêm dẫn chứng thực tế để khắc họa rõ nét hơn cảm xúc của bản thân.
- Kết bài: Tóm lược lại nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, khẳng định cảm nghĩ của bản thân đối với tác phẩm văn học.
Kết luận
Việc viết một bài văn thể hiện cảm nghĩ, cảm xúc không hề khó, tuy nhiên để viết văn biểu cảm hay thì cần quá trình nghiên cứu và luyện tập lâu dài. Vốn từ vựng của người viết cần phải phong phú và đa dạng hơn, cần trau dồi vốn hiểu biết về thể loại văn cần viết, cũng như đọc nhiều tác phẩm văn chương để lấy nguồn cảm hứng.