Ngôn ngữ nghệ thuật được dùng nhiều trong các tác phẩm văn chương, thể hiện ngụ ý sâu sắc và sự tài tình của tác giả, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ cao của con người. Vậy nhưng nhiều người lại không nắm rõ được phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là gì. Vậy nên bài viết dưới đây sẽ tập trung đưa đến bạn đầy đủ thông tin liên quan đến thể loại phong cách ngôn ngữ đặc biệt này.
Tìm hiểu khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật là gì?
Ngôn ngữ nghệ thuật là thứ ngôn ngữ không dùng thông dụng trong đời sống hàng ngày mà được sử dụng nhiều ở các tác phẩm văn chương. Chức năng của thể loại ngôn ngữ này là thỏa mãn dụng ý của tác giả và đưa đến những giá trị thẩm mỹ cao đáp ứng nhu cầu con người.
Thứ ngôn ngữ ẩn chứa nhiều hàm ý nghệ thuật được sắp xếp và tổ chức cực kỳ độc đáo, tinh luyện và chắt lọc từ nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau để đạt tới giá trị nghệ thuật cao. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có hai chức năng chính là về thông tin và về tính thẩm mỹ. Tức là từ ngữ diễn đạt phải đảm bảo đủ ý đồng thời đem đến sự thỏa mãn cao trong nhu cầu thẩm mỹ. Phạm vi sử dụng chủ yếu trong các văn bản nghệ thuật, thơ ca trữ tình….
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có nghĩa thế nào?
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là một thuật ngữ ra đời gắn liền với thể loại ngôn ngữ nghệ thuật, nó thể hiện một phong cách văn chương có tính thẩm mỹ cao, tập trung vào ba đặc điểm chính về tính hình tượng, tính cá thể hóa và tính truyền cảm hứng tới cho người đọc, người nghe.
Điểm đặc biệt của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Một vài điểm đặc trưng quan trọng mà bạn có thể tìm thấy với phong cách ngôn ngữ đặc sắc này như sau:
Đặc trưng về tính hình tượng
Đây là đặc trưng cực kỳ cơ bản khi tìm hiểu phong cách ngôn ngữ theo kiểu nghệ thuật. Từ những biện pháp tu từ được sử dụng, người ta có thể diễn đạt các sự vật hiện tượng một cách đầy sinh động và gợi cảm, mang theo nó cả sự hàm súc đong đầy.
Ở sau những tác phẩm văn chương ta thường bắt gặp trường hợp sử dụng những từ ngữ, câu văn hay là toàn bộ văn bản văn chương đó để biểu hiện nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, mang ý tứ sâu xa và rộng lớn trên cơ sở lượng ngôn từ ít ỏi được trình bày.
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mang tính truyền cảm
Khi sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật để diễn tả, người nói/ người viết không chỉ kể về sự vật, sự việc, con người mà còn mang trong đó cả những tình cảm, những yêu thương, đau khổ, vui buồn… cực kỳ đa dạng. Vậy nên, đây là thứ phong cách có thể truyền tải được nhiều cung bậc cảm xúc của mỗi con người.
Tính cá thể hoá được thể hiện rõ nét
Ở đây nó hàm chỉ đến những yếu tố mang tính cá nhân một con người. Thông qua những tác phẩm văn chương được đưa đến bạn đọc, cùng một sự vật hiện tượng có thể được diễn tả thông qua nhiều câu từ khác nhau mà khi đọc nó là có thể đi đến hình dung được giọng điệu và phong cách riêng biệt của từng tác giả. Đó chính là tính cá thể hóa được đề cập ở đây.
Ví dụ liên quan đến ngôn ngữ nghệ thuật là gì?
Có thể dẫn ra nhiều ví dụ liên quan đến phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Với cách sử dụng các phương tiện nghệ thuật khác nhau lồng ghép vào câu chữ, người viết khéo léo thể hiện ra cả những cảm xúc, những suy nghĩ ẩn chứa phía sau mà không cần phải nói ra trực tiếp.
Chẳng hạn như tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố không hề nói đến việc chị Dậu khổ, thế nhưng qua từng câu từ miêu tả đều cho thấy được sự khốn cùng của người nông dân trong xã hội chịu áp bức và nô lệ.
Ngôn ngữ nghệ thuật cũng đem đến tính hình tượng đặc trưng, được thể hiện qua nhiều biện pháp tu từ như là biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, so sánh, tượng trưng, thậm xưng, tự vấn… mỗi một cách nói hàm ẩn trong ngữ cảnh tu từ đem đến cảm xúc và ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ cho người nghe, người đọc.
Ví dụ biện pháp ẩn dụ được sử dụng trong câu thơ “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng – Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” (bài thơ Viếng Lăng Bác của tác giả Viễn Phương). Mặt trời thứ nhất là chỉ mặt trời địa lý thông thường, mặt trời thứ hai là chỉ đến Bác Hồ và ca ngợi sự vĩ đại, công lao to lớn của người cho công cuộc giải phóng đất nước.
Giới thiệu những loại phong cách ngôn ngữ khác
Bên cạnh phong cách ngôn ngữ theo kiểu nghệ thuật thì còn có nhiều phong cách ngôn ngữ khác nữa. Tùy thuộc thời điểm, tình huống giao tiếp mà người ta sẽ lựa chọn phong cách ngôn ngữ phù hợp nhằm diễn tả trọn vẹn nội dung hàm ý.
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt trong giao tiếp đời thường
Có nghĩa là những lời nói hàng ngày mọi người hay sử dụng để trao đổi thông tin và giao tiếp với nhau, bày tỏ ra những suy nghĩ, những tình cảm, mong muốn… từ đó đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống con người. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt tồn tại theo dạng lời nói và dạng chữ viết (thư từ, nhật ký, đoạn hội thoại trên mạng, tin nhắn…)
Khác với phong cách ngôn ngữ nghệ thuật Phong cách ngôn ngữ này chủ yếu mang tính thoải mái và biến đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh, vai vế, mục đích câu chuyện trong giao tiếp. Ở đây chủ yếu mang tính cá nhân cho nên không quá câu nệ nghi thức.
Đặc trưng chủ yếu của phong cách ngôn ngữ này bao gồm tính cụ thể (về không gian thời gian, có hoàn cảnh giao tiếp nhất định, nội dung và cách thức các chủ thể thực hiện giao tiếp cũng được xác định); tính cảm xúc thể hiện thông qua ngữ điệu và ẩn chứa những tình cảm của người nói, cảm xúc khác nhau khiến cho các yếu tố, trợ từ, thán từ được sử dụng cũng đa dạng; đặc trưng cuối cùng là tính cá thể, tức là thông qua đây có thể phỏng đoán được những đặc trưng liên quan đến cá nhân người nói.
Phong cách ngôn ngữ chính luận dùng trong hội nghị, hội thảo
Đây là phong cách ngôn ngữ được thể hiện thông qua lời nói hoặc là thông qua các văn bản trong cuộc họp, trong hội nghị, hội thảo… nhằm đi đến sự trình bày, bình luận hay nêu ra quan điểm đánh giá về những sự kiện, những vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội, tư tưởng… tuân theo một quan điểm chính trị từ người trình bày.
Loại phong cách ngôn ngữ này cũng được tồn tại cả dưới dạng nói và dạng viết, các từ ngữ sử dụng trong đây thông thường sẽ có nhiều từ liên quan đến vấn đề chính trị, có kết cấu trình bày tuân theo chuẩn mực nhất định được đặt ra từ trước, hệ thống luận điểm và lập luận rõ ràng, chặt chẽ. Có thể sử dụng kèm với các biện pháp tu từ để nhấn mạnh ý kiến đưa ra, đem đến sức thuyết phục cao cho nội dung cần diễn đạt.
Không cảm xúc như phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mà nó sẽ trình bày những quan điểm và lập luận liên quan đến các yếu tố mang tầm vĩ mô nhiều hơn, cho nên phong cách ngôn ngữ này phải đảm bảo tính công khai, tính chặt chẽ và có sự truyền cảm mạnh mẽ đối với người đọc, người nghe. Để nhận biết phong cách ngôn ngữ này có thể trực tiếp dựa vào các điểm đặc trưng được nêu ra ở trên, đây là phong cách ngôn ngữ khác biệt nên khó mà bị nhầm lẫn.
Phong cách ngôn ngữ khoa học dùng khi trình bày vấn đề khoa học
Với phong cách ngôn ngữ này có thể được sử dụng khi giao tiếp giữa những cá nhân cùng chung lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề khoa học, hoặc là dùng trình bày các văn bản khoa học, sách giáo khoa, các văn bản phổ cập kiến thức tới đông đảo bạn đọc ở khắp mọi nơi. Hình thức ngôn ngữ cũng có thể được dùng dưới dạng viết (văn bản) và dạng nói (thuyết trình, giới thiệu, bàn luận…).
Đặc điểm của phong cách ngôn ngữ này cần phải có tính khái quát và tính trừu tượng vì dùng nhiều các thuật ngữ khoa học chuyên ngành; đồng thời vẫn phải đảm bảo tính logic hợp lý, chặt chẽ trong kết cấu và trong các câu từ, cú pháp chuẩn chỉnh, lập luận mạch lạc logic. Đồng thời, phong cách ngôn ngữ dạng khoa học luôn luôn phải có tính khách quan, bao quát toàn diện chứ không được hướng vào cá thể, cá nhân hóa.
Phong cách ngôn ngữ báo chí dùng nhiều trong ngành báo chí
Đây là loại ngôn ngữ được sử dụng trong các thông tin thời sự hoặc các văn bản báo chí, để thông báo tới mọi người những tin tức hot ở trong nước cũng như ngoài nước, phản ánh chính xác, khách quan và đi vào hiện thực. Phong cách báo chí cũng tồn tại ở cả hai hình thức dạng nói và dạng viết giống như phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ này đó là từ vựng diễn đạt phong phú, tập trung những từ có ý nghĩa nhấn mạnh và khái quát toàn bộ, câu cú ngắn gọn sáng sủa, xúc tích đầy đủ. Với dạng ngôn ngữ này thường sử dụng các biện pháp tu từ để gia tăng hiệu quả diễn đạt, nhấn mạnh vấn đề, sự vật hiện tượng đang được nhắc đến tại bản tin báo chí đang được đưa ra.
Thông tin ở đây phải mang tính thời sự, ngắn gọn và đầy đủ nội dung. Cách thức nhận biết đối với phong cách ngôn ngữ này cũng không hề khó, ta có thể xác định dựa vào sự kiện, thời gian cụ thể và những thông tin được truyền tải thông qua đó. Những vấn đề đưa ra đương nhiên phải đảm bảo tính thời sự mới mẻ với người đọc/người xem.
Phong cách ngôn ngữ hành chính dùng ở lĩnh vực hành chính
Phong cách ngôn ngữ hành chính có thể được thể hiện thông qua ngôn ngữ hành chính hoặc là văn bản hành chính. Đặc điểm ở đây là sự giao tiếp, kết nối giữa các đơn vị hành chính với nhân dân dựa trên các quy chuẩn về luật pháp, hiến pháp, có các văn bản thông tư, nghị định hướng dẫn chỉ đạo cụ thể.
Phong cách này khác phong cách ngôn ngữ nghệ thuật lớn nhất là ở đặc trưng bởi cách trình bày nghiêm chỉnh theo khuôn mẫu, câu dài gồm nhiều ý, có tính xác minh, tính công vụ đầy đủ. Dựa vào văn bản hành chính này giúp cho tiến trình làm việc giữa các bên trở nên minh bạch và hợp lý hơn.
Văn bản hành chính, phong cách hành chính thật sự rất dễ nhận biết, phần mở đầu luôn luôn có tiêu ngữ rõ ràng và phần kết thì có chữ ký, có đóng dấu của các bên thể hiện tính pháp lý rõ ràng của văn bản, yêu cầu những đối tượng liên quan trong văn bản tiến hành triển khai hoạt động, công việc theo đúng như những nội dung được nêu trong văn bản.
Kết luận
Trên đây là một số những thông tin đưa ra xoay quanh việc bàn luận về Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật – khái niệm và những đặc trưng thuần túy nhất. Dựa vào đây, bạn không những có thể hiểu được toàn bộ những dữ liệu liên quan mà còn có thể vận dụng phong cách ngôn ngữ đặc sắc này để diễn tả sự vật hiện tượng trong đời sống xã hội hiện nay, mang đến cho người khác những ấn tượng sâu sắc và niềm cảm hứng giao tiếp dâng trào.