Nghị luận xã hội là dạng đề khá quen mà học sinh đã gặp nhiều lần trong các bài kiểm tra suốt thời trung học. Tuy nhiên để làm tốt dạng bài này không phải là điều dễ dàng bởi nó đòi hỏi người viết có kỹ năng thuyết phục và kiến thức về đời sống xã hội sâu sắc. Làm tốt những bài nghị luận không chỉ giúp học tốt môn ngữ văn mà còn bồi đắp kiến thức và tư duy cho học sinh. Sau đây là những thông tin từ tổng quan đến cụ thể nhất giúp bạn chinh phục dạng bài này.
Nghị luận xã hội là gì?
Nghị luận xã hội là những bài văn ngắn hoặc dài xoay quanh chủ đề xã hội, chính trị, đời sống. … Đây là hình thức thể hiện tư tưởng, cách nhìn về những lối sống đẹp, các hành vi tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày. Những chủ đề thường được khai thác như: môi trường, gia đình, tinh thần dân tộc hay toàn cầu hoá….
Đặc trưng của văn nghị luận về xã hội là chạm đến mọi mặt của xã hội bao gồm cả mặt tốt và mặt xấu. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả, khắc họa rõ nét thực tế mà còn phải ra kết luận chung và giải pháp nếu có thể. Trong môn ngữ văn trung học thì đây là hình thức giúp đánh giá tư duy xã hội của học sinh. Chương trình giảng dạy đang phân chia nghị luận xã hội thành hai mảng chính là: Nghị luận về tư tưởng đạo lý hoặc nghị luận về một hiện tượng đời sống.
Một số chủ đề viết nghị luận xã hội thường gặp
Khi viết văn nghị luận xã hội, điều quan trọng là phải phát huy mọi loại kiến thức. Người viết phải thể hiện được hiểu biết về kiến thức xã hội, có tư duy rộng mở và tích cực để chủ động so sánh, phát triển vấn đề. Những chủ đề viết văn nghị luận về xã hội tuy rộng nhưng không quá khó vì thường gắn với đời sống xung quanh.
Dạng đề yêu cầu nghị luận về một hiện tượng đời sống
- Nghị luận về các hiện tượng có tác động tích cực và có ý nghĩa nhân văn cao đẹp như: hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người khác, chia sẻ tình yêu thương,…
- Nghị luận về các hiện tượng có tác động tiêu cực cần được lên án như: bạo lực, vi phạm luật giao thông, tham nhũng, trộm cắp,…
- Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí thông qua việc đọc hiểu và rút ra ý nghĩa của một đoạn trích, mẩu tin trên báo…
Trong những bài kiểm tra, đánh giá thuộc bộ môn ngữ văn thì dạng đề nghị luận về hiện tượng đời sống là phổ biến nhất. Có hai hình thức ra đề:
- Dạng đề nổi: học sinh dễ dàng nhận ra và gạch ý chính dưới luận đề trong đề bài
- Dạng đề chìm: học sinh cần đọc kĩ đề bài, đọc kỹ đoạn trích nếu có và thể hiện quan điểm dựa trên thông tin đề bài cung cấp.
Dạng đề yêu cầu nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý
- Nghị luận về tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức như: lòng dũng cảm, sự bao dung, nghị lực vượt qua nghịch cảnh,…
- Nghị luận về tư tưởng phản nhân văn như: lợi dụng, ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá,…
- Nghị luận về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề để làm rõ mọi khía cạnh của tư tưởng xã hội
- Nghị luận về vấn đề có tính chất bàn luận, trao đổi để thể hiện lối tư duy và khả năng thuyết phục của người viết
Dạng văn này thường gặp trong những cuộc thi, bài kiểm tra có độ khó cao bởi nó yêu cầu người viết có cách viết chắc tay và tư duy tốt.
Hướng dẫn làm bài nghị luận thuyết phục đạt điểm cao
Không ít học sinh còn ngần ngại vì kỹ năng phân tích, giải thích, bình luận chứng minh chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó còn phải có hệ thống kiến thức xã hội rộng để phân tích và lý giải vấn đề dưới nhiều góc độ. Sau đây là cách làm bài văn nghị luận thuyết phục và đạt điểm cao mà bạn nên biết:
Các bước làm một bài văn nghị luận xã hội chuẩn cấu trúc
3 bước cơ bản để bài văn nghị luận xã hội có cấu trúc chuẩn, thuyết phục người đọc gồm:
Bước 1: Đọc kỹ đề bài và gạch ý nghị luận xã hội
- Tìm những từ ngữ gợi ý, gạch chân những từ khóa quan trọng cho biết cần viết bài luận thuyết phục đơn thuần hay cần tranh luận vấn đề
- Đọc kỹ yêu cầu của đề để xác định rõ cần nghị luận tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống từ đó có hướng phát triển phù hợp.
Bước 2: Lập dàn ý để bài viết chặt chẽ, logic hơn
- Lập dàn ý vào giấy nháp là bước mà nhiều học sinh đã bỏ qua tuy nhiên để viết tốt văn nghị luận cần thành thạo bước này. Vì dàn ý sẽ hệ thống các ý quan trọng cần làm rõ để khi viết mạch lạc, dễ hiểu, không thiếu ý.
- Ngay từ khi lập dàn ý bài văn nghị luận xã hội có thể chủ động ước lượng số từ cần viết cho mỗi phần để tránh viết lan man, dài dòng.
Bước 3: Đưa ra các dẫn chứng phù hợp và thuyết phục người đọc
- Không lấy những dẫn chứng chung chung, thiếu cụ thể và thiếu sức thuyết phù như: không có tên người phát biểu, nội dung mơ hồ,…
- Dẫn chứng thuyết phục phải nêu rõ do ai phát biểu, trích từ sách báo nào, thời gian nào.
- Nếu có thể hãy ghi nhớ chính xác dẫn chứng và trích trong ngoặc kép sẽ có sức thuyết phục hơn
- Đưa dẫn chứng phải tinh tế, khéo léo, đúng nội dung, tuyệt đối không sa vào kể lể câu chuyện dài dòng
- Bài văn nghị luận xã hội muốn đạt điểm cao thì phải chặt chẽ, cô đọng nhất với lời văn cô đúc, ngắn gọn. Cảm xúc xuyên suốt bài viết cần thể hiện sự trong sáng, lành mạnh nhưng không thiên về cảm xúc cá nhân.
- Nên viết theo lối song song có khen, có chê, thể hiện sự đồng ý ở một mặt và phản biện ở chiều ngược lại,… Tránh kiểu viết một chiều, ngợi ca quá mức sẽ không thể hiện được chiều sâu.
Hướng dẫn viết bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý
Dưới đây là hướng dẫn giúp bạn chinh phục thể loại văn nghị luận về tư tưởng đạo lý:
Mở bài
- Mở bài phải thể hiện hướng phát triển tổng quát của bài viết, giới thiệu rõ tư tưởng, đạo lý cần viết là gì
- Phải nói được chính, câu nói quan trọng hoặc từ khóa về tư tưởng, đạo lí đề bài yêu cầu. Nếu đã làm tốt bước đọc đề và gạch chân những câu, từ quan trọng thì viết mở bài sẽ dễ hơn.
Thân bài
Phần thân bài chứa những nội dung quan trọng nhất, quyết định sức thuyết phục của bài viết. Cần có những luận điểm sau để bài văn nghị luận của bạn có chiều sâu:
Luận điểm 1: Giải thích chi tiết yêu cầu đề
- Giải thích rõ ràng, cụ thể nội dung tư tưởng đạo lý đã rút ra ở đề bài
- Giải thích chi tiết các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm (nếu có) về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Cuối cùng là rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý đó.
Luận điểm 2: Phân tích và chứng minh bằng những lý lẽ, dẫn chứng thực tế
- Nêu được mặt đúng của tư tưởng, đạo lý và sử dụng dẫn chứng xảy ra cuộc sống xã hội để chứng minh cho luận điểm.
- Từ đó sẽ chỉ ra tầm quan trọng của việc phát huy tư tưởng, đạo lý trong đời sống.
Luận điểm 3: Bình luận mở rộng
- Phản biện những biểu hiện sai lệch bằng việc sử dụng dẫn chứng thuyết phục để minh họa.
- Rút ra bài học nhận thức cho chính mình hoặc một đối tượng nào đó.
Kết bài
- Khái quát lại ý nghĩa tư tưởng đạo lý trong toàn bài và đưa ra đánh giá.
- Mở ra khía cạnh khác cần suy nghĩ, bàn luận thêm về vấn đề đó.
Mẫu dàn ý văn nghị luận áp dụng cho mọi loại đề
Việc lập dàn ý không khó hay tốn thời gian như nhiều người vẫn tưởng. Cách để lập dàn ý cho bài văn nghị luận xã hội sau đây có thể áp dụng cho rất nhiều dạng đề:
Mở bài
Người viết sẽ dùng cách trực tiếp hoặc gián tiếp để giới thiệu vấn đề sau đó dẫn dắt khéo léo để nêu lên được tính cấp thiết của vấn đề đó. Mở bài nghị luận xã hội cũng cần khơi gợi và mở ra hướng giải quyết vấn đề
Thân bài
- Thực trạng của vấn đề: Phân chia thành nhiều khía cạnh và xen xét, đánh giá dựa trên lập luận, dẫn chứng thuyết phục
- Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên góc nhìn khách quan, yêu cầu người viết có đủ bản lĩnh, lập trường vững vàng để thuyết phục người đọc.
- Hậu quả hoặc kết quả của vấn đề: Nói về những biểu hiện của hiện tượng trong đời sống và rút ra những ảnh hưởng (cả tích cực lẫn tiêu cực) của nó. Ở phần này cần có lý luận chặt chẽ và lập luận sắc bén và thể hiện được cách nhìn nhận khách quan.
- Biện pháp khắc phục: Người viết hãy đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng bao gồm cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Kết bài của bài nghị luận xã hội
Khái quát lại nội dung của bài viết và nêu suy nghĩ về vấn đề từ đó rút ra bài học cho cá nhân.
Nguyên tắc viết bài văn nghị luận rõ ràng, thuyết phục
- Phát huy mọi loại kiến thức mà bạn có bao gồm kiến thức học từ nhà trường và những kiến thức đời sống xã hội. Đây là nguồn tài liệu để phát triển, vận dụng vào bài viết sao cho những dẫn chứng phong phú, sâu sắc nhưng phải chọn lọc cô đọng nhất.
- Chủ động, mạnh dạn chứng minh quan điểm trong khi viết bài, cần tin tưởng và chính kiến của mình mới có thể thuyết phục người khác cùng đồng ý.
- Dạng câu hỏi nghị luận xã hội trong bài văn tốt nghiệp trung học phổ thông thường chỉ được cho tối đa 3 điểm. Dung lượng bài chỉ khoảng 600 từ nên phải cân đối thời gian làm bài và chỉ viết những thông tin cần thiết nhất.
Lời kết
Các bạn học sinh đừng bao giờ chủ quan cho rằng viết nghị luận xã hội là không quan trọng, nhàm chán hay không có ích lợi gì. Khi thực sự nhìn nhận được vai trò của nghị luận nói chung là nghị luận về xã hội nói riêng thì mới có thể học tốt môn ngữ văn. Chính những kinh nghiệm viết văn nghị luận này còn góp phần bồi dưỡng tư duy văn học lẫn tư duy xã hội mà thế hệ trẻ cần có.